Trước cuộc cạnh tranh vào lớp 10 công lập, nhiều học sinh căng thẳng vì hụt kiến thức do học online quá lâu, có em sợ bỏ lỡ kỳ thi nếu trở thành F0, F1.

Từ giữa tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành bắt đầu công bố phương án tuyển sinh lớp 10. Đây là kỳ thi dành cho học sinh tốt nghiệp THCS, có nhu cầu tiếp tục bậc THPT hệ công lập. Ở những tỉnh thành như Hà Nội và TP HCM, cuộc cạnh tranh giành suất vào trường công thường gay gắt nhất.

Trong khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 ở Hà Nội, chỉ 77.000 em có cơ hội vào trường THPT công lập (chiếm 60%). Còn lại 27.000 học sinh sẽ vào các trường tư thục, 25.000 em học giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Tại TP HCM, hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% trong số hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm.

Do Covid-19, phần lớn học sinh trải qua kỳ I trực tuyến, đến khoảng cuối năm 2021 mới được đến trường. Khi trường học mở cửa trở lại, số lượng F0 tăng mạnh. Nhiều nơi phải cho học sinh tạm nghỉ hoặc dạy xen kẽ online - offline. Thời gian học trực tiếp không đồng khiến nhiều em lo lắng về sự chênh lệch kiến thức với các bạn trong cùng cuộc thi.

Từ tháng 11/2021, học sinh khối 9 ở 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội được trở lại trường. Đến 8/2, khối 7-12 toàn thành phố cũng được học trực tiếp. Tuy nhiên, vì số lượng ca nhiễm lớn, hàng loạt xã, phường bị đánh giá cấp độ ba (màu cam) phải dừng đến trường.

Quỳnh Trang, lớp 9 tại huyện Chương Mỹ cho biết, đến tháng 12 năm ngoái em mới học trực tiếp. Thời gian đến trường tiếp đó "trồi sụt" liên tục vì bạn bè trong lớp lần lượt là F0. "Nếu tính tổng số ngày, chắc em học trực tiếp được hơn hai tháng", Trang nhẩm tính.

Ở Hà Nội, thí sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào các trường công lập trong cùng khu vực tuyển sinh. Trang ở khu vực 10, gồm hai huyện Chương Mỹ, Thanh Oai và quận Hà Đông. Trong những ngày ở nhà học trực tuyến, Trang thấy bạn bè ở một số xã lân cận vẫn đủ điều kiện đến trường nhờ tình hình dịch bệnh ổn định hơn.

Nữ sinh đặt nguyện vọng một vào THPT Chúc Động, năm ngoái lấy điểm chuẩn 30, trung bình 5 điểm mỗi môn. Dù mục tiêu khá dễ thở, Trang vẫn lo lắng vì lực học của em ở mức trung bình, thời gian phải học trực tuyến dài hơn các bạn. "Mỗi lần quay lại trường, chưa kịp củng cố kiến thức đã lại phải ở nhà. Em nghĩ chênh lệch thời gian được đến trường giữa những học sinh trong cùng khu vực cũng sẽ tác động đến kết quả thi", Trang nói.

Ở TP HCM, thành phố không cho dừng học trực tiếp trên diện rộng, chỉ những lớp xuất hiện F0 sẽ truy vết, cho học sinh ở nhà. Từ sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày các trường ghi nhận 200 ca F0. Do đó, số lượng học sinh phải dừng học trực tiếp rất lớn.

Từng là F0 và hai lần là F1, Trường An, lớp 9 tại TP Thủ Đức mất hơn ba tuần ở nhà điều trị, cách ly theo quy định. Được học trực tuyến nhưng do đường truyền chập chờn cùng tâm trạng ngột ngạt khi bị "nhốt" trong nhà, An tiếp thu bài không tốt. Kết quả kiểm tra học kỳ I và giữa học kỳ II vừa qua không cao càng khiến nữ sinh bi quan. "Nhiều bài tập khó, lẽ ra được thầy cô giảng sẽ dễ hiểu hơn. Đằng này, em gần như phải tự học, bài được bài mất", An kể.

Theo nữ sinh, chất lượng, thời gian học tập của học sinh ở các trường không đồng đều nên những người như An sẽ thiệt thòi khi dự thi. An mong đề giảm độ khó, bớt các câu nâng cao.

Thi cử trong bối cảnh F0 tăng nhanh trong cộng đồng, nhiều thí sinh cũng băn khoăn về phương án dành riêng cho F0.

Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm ngoái, 14 thí sinh F1 ở Hà Nội được tuyển thẳng theo nguyện vọng một. Năm thí sinh F2 và 16 em sống tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa không được thi mà xét tuyển theo điểm trung bình bậc THCS cộng điểm trung bình Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Quỳnh Trang, ở Chương Mỹ, mong quy định này được áp dụng cho thí sinh F0, F1, không thể tham gia kỳ thi. "Tuy nhiên, số lượng F0, F1 ở Hà Nội đang rất cao, nên phương án này cũng khó. Chí ít, em mong F0 được xét học bạ", Trang nói.

Mới trở thành "cựu" F0 được hai tuần, Thanh Bình, ở quận Hà Đông vẫn sợ bị tái nhiễm trước ngày thi. Theo quy trình xử lý F0 trong trường học ở Hà Nội, học sinh F1 vẫn phải ở nhà cách ly năm ngày.

Tuy nhiên, Bình không muốn áp dụng quy định xét điểm THCS cho thí sinh F0. Năm nay, nam sinh đặt mục tiêu vào THPT Quang Trung - Hà Đông, nơi có điểm chuẩn cao thứ hai quận năm ngoái, trung bình 7,8 điểm mỗi môn. "Do chưa thực sự chú tâm học trong hai năm đầu THCS, điểm học bạ của em không cao. Nếu áp dụng cách tính điểm học bạ cho thí sinh F0, em có thể trượt nguyện vọng một", Bình cho hay. Cậu mong Sở Giáo dục sắp xếp thêm đợt thi cho học sinh F1, F0.

Năm ngoái, do không thể tổ chức thi tuyển lớp 10, TP HCM cũng xét điểm trung bình lớp 9 các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Việc này gây ra tranh cãi do quá trình kiểm tra thường xuyên, thi học kỳ ở các trường khác nhau dẫn đến kết quả điểm trung bình không đánh giá đúng năng lực học sinh.

Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội được tổ chức trong khoảng ngày 10 đến 20/6. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như phương án xử lý khi học sinh là F0, F1.

Còn tại TP HCM, kỳ thi diễn ra trong hai ngày 11, 12/6. "Tùy theo quy định của ngành y tế trong thời gian tổ chức thi, Sở sẽ trình UBND Thành phố kế hoạch thi tuyển đợt 2 hoặc xét tuyển cho các thí sinh không thể tham gia đợt một, trong đó có thí sinh F0, F1. Cấu trúc, độ khó của đề thi các môn cơ bản như các năm trước", một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết.

 

 

 

Nguồn: VNEXPRESS.


Bài viết khác
Bạn đã sẵn sàng chưa?

Chương trình tuyển sinh 2024

Lựa chọn mới, tương lai mới
  • CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG
  • MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP NĂNG ĐỘNG, HIỆN ĐẠI
  • TIẾNG ANH TĂNG CƯỜNG
  • SẴN SÀNG CHINH PHỤC CƠ HỘI MỚI
hocsinh

Để có thông tin nhanh nhất!

Đừng bỏ lỡ những sự kiện hoạt động và chương trình học tập của trường
Asset 5