Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội luôn căng thẳng, khốc liệt hơn cả thi tốt nghiệp THPT. Năm 2024, tổng số chỉ tiêu đậu lớp 10 công lập ở TP.HCM là 76.735 học sinh, chiếm 77,5% trong số 98.681 thí sinh đăng ký nguyện vọng lớp 10 các trường THPT công lập tại TP.HCM. Như vậy, sau ngày công bố điểm chuẩn, có gần 22.000 học sinh không đậu vào lớp 10 công lập, phải đi một con đường khác như các trường ngoài công lập, trường nghề…
Tôi biết nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi vừa xem điểm chuẩn. Có người vội vã đi tìm hiểu các trung tâm giáo dục thường xuyên, người thì gọi điện hỏi các trường nghề. Nhiều cha mẹ thấy con khóc, trong lòng mình cũng đau...
Học sinh nào tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - cột mốc quan trọng trong đời học sinh - thì cũng trải qua quá trình ôn tập căng thẳng, cha mẹ thì mất ăn mất ngủ. Ngày đi thi, ngoài bút viết, sách vở và các vật dụng phục vụ cho kỳ thi, ai cũng mang theo tinh thần quyết tâm, sự kỳ vọng vào một ngôi trường công lập. Để thứ nhất, mình được học tập ở ngôi trường mình yêu thích, gần nhà, thuận tiện đi lại và thứ hai, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Nhưng nếu mọi thứ đều như ý mình, thì làm sao gọi là cuộc đời. Nếu mọi đường đi đều dễ dàng, thì làm sao người trẻ hiểu được ý nghĩa của thử thách, gian truân.
Nhìn các em học sinh và phụ huynh trong ngày công bố điểm chuẩn lớp 10 hôm nay, tôi chợt nhớ lại chính mình thời điểm tuổi trẻ, khi mà tôi cũng từng là một thí sinh với nhiều nỗi lo, tâm trạng căng thẳng nhưng đầy ước vọng và hoài bão. Lời bài hát "Đường lên đỉnh vinh quang" của nhạc sĩ Trần Lập cứ văng vẳng bên tai tôi, mỗi câu từ trong bài hát không chỉ gợi lại cảm giác của những ngày ôn thi đầy gian khổ của tôi. Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/ Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai…
Hôm nay có thể em không đậu lớp 10 một trường THPT công lập, nhưng các em sẽ còn những lựa chọn khác. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện; các trường trung cấp, cao đẳng; các trường ngoài công lập. Tôi có những người bạn, những người học trò, dù không học trường THPT công lập, từng không đậu lớp 10 công lập, nhưng các bạn đều đang sống tốt, sống hạnh phúc với những nghề nghiệp mà các bạn yêu thích và có sự đầu tư, học tập nghiêm túc về nó.
Tôi nghĩ rằng cha mẹ, người thân của các em học sinh nên đồng hành cùng con mình lúc này, để các em thấy rằng mình không một mình. Các em đã căng thẳng, vất vả qua một thời gian ôn tập, thi cử căng thẳng. Các em cũng rất buồn khi mình không đạt được nguyện vọng như mình mong muốn, hay bạn bè của các em đậu, còn mình thì chưa…
Gia đình luôn là điểm tựa an toàn của bất cứ ai, những người đã cùng các em trải qua từng thăng trầm và luôn là nguồn động viên vô giá. Chẳng phải, với tất cả những người làm cha, làm mẹ, thì con cái mạnh khỏe, bình an, sống vui vẻ với những lựa chọn của con thì mình sẽ hạnh phúc hay sao?
Năm 2024 cũng là năm cuối cùng thi lớp 10 theo chương trình cũ. Từ năm sau, các thí sinh thi lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các thí sinh sẽ gặp các đề thi với cấu trúc mới, phương thức ra đề khác biệt và chương trình học tập mới, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội và nhu cầu thực tiễn trong công việc. Việc học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn đòi hỏi các em áp dụng vào thực tế, từ đó rèn luyện kỹ năng mềm và sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề.
Mong các thí sinh sắp lên lớp 9, đang chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 này tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với kiến thức, luôn đặt mục tiêu cao và không ngừng nỗ lực. Dù có bất kỳ khó khăn, chông gai nào thì các em nên nhớ rằng, quan trọng không phải là mục tiêu cuối cùng mà là hành trình chúng ta đã đi qua để đạt được nó.
Theo báo Thanh Niên