Tại các trường, có một thông tin chung mà chuyên gia tư vấn nhấn mạnh đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, học sinh (HS) sẽ không được cộng thêm điểm nghề nhưng tùy đối tượng sẽ có những khung điểm ưu tiên khác nhau.
Em Trang Kim Yến (HS Trường THCS Phạm Đình Hổ) hỏi: “Em nghe nói một số HS sẽ được cộng điểm ưu tiên. Vậy người Hoa có được cộng điểm đó không?”. Bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: "Dân tộc thiểu số được căn cứ trên giấy khai sinh gốc. Dựa vào đó, xác định bản thân HS, cha hoặc mẹ (không phải là dân tộc Kinh) sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên". Trao đổi thêm, bà An Long cho biết ngoài đối tượng trên, HS còn được cộng thêm 2 điểm khi thuộc một trong các đối tượng: con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên; con của người được cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như con thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Ngoài ra, HS là con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như con thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% sẽ được ưu tiên cộng thêm 1,5 điểm.
Trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 tổ chức tại Trường THCS Hậu Giang và THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6), bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh sẽ có 7 nguyện vọng (NV), trong đó 4 NV dành cho học sinh thi vào trường chuyên (NV1, NV2 vào trường chuyên, lớp chuyên; NV3, NV4 vào trường chuyên nhưng lớp không chuyên) và 3 NV đối với trường thường. Về cách xét tuyển, bà An Long lưu ý: “Học sinh phải tham dự đầy đủ các môn thi, và các môn không được rơi vào điểm liệt. Cách xét tuyển từ trên xuống, trúng tuyển NV nào học trường đó, do đó các em nên cân nhắc, tránh trường hợp nghe lời bạn bè, hàng xóm chọn trường quá xa, hoặc vượt quá năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình. Tốt nhất các em nên chia sẻ, hỏi ý kiến cha mẹ để chọn ngôi trường phù hợp nhất”.
Trước những chia sẻ trên, nhiều phụ huynh và học sinh tỏ vẻ lo lắng: “Nếu cả 7 NV đều không đậu thì sao?”. Bà An Long trấn an: “Thi tuyển không phải để loại học sinh dở mà để giúp các em chọn được con đường đi phù hợp nhất sau khi tốt nghiệp THCS. Nếu những NV trên không đậu, các em còn nhiều ngã rẽ khác như vào trung tâm GDTX, các trường dân lập hoặc Trung cấp… Nghề nào cũng là nghề cao quý, con đường nào cũng đi đến bến bờ hạnh phúc nếu chúng ta cố gắng hết sức”.
Quyết tâm thi đậu vào lớp 10 công lập nên một học sinh lo xa hỏi: “Những lúc thi em thường rất hồi hộp nên làm bài không được hoàn hảo. Vậy những lúc như thế làm sao để làm bài tốt, đặc biệt là đối với môn Ngữ văn?”. Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết đây là chuyện thường xảy ra đối với học sinh. Những lúc như vậy các em không nên hốt hoảng mà nên ngồi xuống hít thở đều, sau đó uống một ngụm nước để bớt hồi hộp, căng thẳng. Không chỉ vậy, nếu học sinh nào biết được điểm yếu này của mình, trước khi thi nên có kế hoạch học bài thật tốt. Tránh học tràn lan, chủ yếu nhấn vào kiến thức trọng tâm, học ý nào chắc ý đó (đếm ý), học từ ý lớn cho đến ý nhỏ, tốt nhất học theo sơ đồ tư duy. Trong lúc làm bài thi, nhất là với môn ngữ văn, học sinh nên phân bố thời gian làm bài hợp lý, làm đủ các câu, thể hiện rõ ý chính, ý phụ sau đó diễn giải theo ý của mình.
Một bí quyết khác được ông An đề cập khi trả lời câu hỏi trên là hiện nay, đa số học sinh đều có điện thoại thông minh và dùng internet, vì vậy việc lên mạng tham khảo các đề thi của những năm trước là việc không còn khó khăn nữa. “Các em nên tải đề thi từ 5 năm trở lại đây, sau đó thi thử (canh đúng giờ) để xem kiến thức của mình tới đâu, đồng thời để tập làm quen với thời gian và biết cách làm bài. Ngoài ra, các em nên tập hợp những bạn “cùng chí hướng” để lập nhóm ôn thi, chia sẻ bí quyết học tập lẫn nhau. Quan trọng hơn hết, các em phải làm sao để “điểm rơi phong độ” rơi trúng vào ngày thi, tức chăm chỉ học tập để đến ngày thi phát huy hết mọi khả năng mà mình có nhằm đạt được kết quả cao nhất”, ông An nhắn nhủ.
Một học sinh Trường THCS Đoàn Kết đặt câu hỏi tại chương trình.
Đây là băn khoăn của một phụ huynh HS Trường THCS Đoàn Kết. Phụ huynh này cho biết con gái mình học giỏi nhưng muốn “bẻ hướng” sang học trường nghề. Tuy nhiên, một số trường chỉ đào tạo ngành nghề dành cho nam. Vậy gia đình nên cho con học trường nào? Để phụ huynh an tâm, ThS. Đỗ Hữu Khoa (đại diện Trường Trung cấp Công nghê Thông tin Sài Gòn - SITC) chia sẻ: Trước đây trường nghề chỉ dành cho nam. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều trường đã có những ngành mới dành cho nữ. Cụ thể tại Trường Trung cấp Công nghê Thông tin Sài Gòn (SITC) có đào tạo 5 ngành mà học sinh nam, nữ đều học được là Thiết kế đồ họa đa phương tiện; Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Công nghệ kỹ thuật phần cứng máy tính; Quản lý doanh nghiệp; Tiếng Anh. Đây là những ngành chủ lực của xã hội. Các em có thể học để tích lũy kiến thức, sau đó học cao hơn hoặc đi du học. Bổ sung thêm, ThS. Nguyễn Quỳnh Lâm (Phó phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường TC Việt Giao) cho biết: Trường TC Việt Giao có 4 ngành nghề phù hợp với nữ, gồm: Quản trị khách sạn; hướng dẫn du lịch; Kế toán doanh nghiệp và Quản trị bếp ẩm thực.
Cũng liên quan đến trường nghề, nhiều phụ huynh tại các trường trên lo lắng: “Chúng tôi nghe nói trường nghề quản lý lỏng lẻo, nhiều HS sau khi tốt nghiệp THCS học ở đây được một thời gian lại bỏ học ngang hoặc không chú tâm vào việc học hành. Thông tin này có chính xác hay không?”. ThS. Đỗ Hữu Khoa khẳng định: “Việc này phụ thuộc vào mỗi trường. Trường Trung cấp Công nghê Thông tin Sài Gòn (SITC) tổ chức học 2 buổi/ngày và quản lý các em như HS phổ thông. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ phối hợp sát sao với phụ huynh trong việc giáo dục. Nếu các em bỏ học hay gặp bất cứ vấn đề gì thì nhà trường sẽ thông báo ngay với phụ huynh để cùng giải quyết. Vì vậy, phụ huynh hãy yên tâm và nên chọn trường phù hợp với năng lực học của con mình”.